Thương mại điện tử “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19
Thương mại điện tử “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 là cơn “ác mộng” đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng dường như lại là “vận may” của các trang web thương mại điện tử, khi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Thương mại điện tử “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19
Thương mại điện tử “lên ngôi” trong đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 là cơn “ác mộng” đối với nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới, nhưng dường như lại là “vận may” của các trang web thương mại điện tử, khi mua sắm trên mạng là cách duy nhất để có được những thứ người tiêu dùng cần trong thời kỳ giãn cách xã hội.
* Thay đổi thói quen mua hàng truyền thống
Giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19 đã thay đổi những thói quen lâu năm, khiến ngay cả những người lớn tuổi và các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng truyền thống cũng cân nhắc về việc việc mua sắm trực tuyến.
Với sự xuất hiện của hàng loạt các trang web và ứng dụng sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới như Shopee, Lazada, Zalora hay JD…, khách hàng có thể dễ dàng mua sắm mọi thứ, từ đồ tạp hóa, điện tử, cho đến các dịch vụ giáo dục và đặt phòng khách sạn chỉ với một cú nhấp chuột hoặc những thao tác đơn giản trên thiết bị di động thông minh và điều quan trọng là với mức giá rất phải chăng. Có thể thấy rõ ngành thương mại điện tử đang ngày càng mang lại nhiều động lực cho sự phục hồi kinh tế vốn chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Theo báo cáo do Lazada - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á - công bố mới đây, có tới 52% người bán hàng ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2021, trong khi 70% kỳ vọng rằng mức tăng doanh thu sẽ tiếp tục được nâng
lên thêm 10% trong quý III/2021.
Hiệp hội các công ty dịch vụ và phần mềm Ấn Độ (NASSCOM) cũng cho biết, thị trường thương mại điện tử của nước này tiếp tục tăng trưởng 5%/năm, với doanh thu ước đạt 56,6 tỷ USD trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc ngày 31/3/2021), bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành. Tmall, một trong những nền tảng thuộc hệ thống thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, đang cung cấp mức giá ưu đãi cho các công ty quốc tế, cho phép những công ty này bán hàng trên nền tảng của họ mà không cần giấy phép hoạt động tại Trung Quốc. Năm 2020, khoảng 29.000 thương hiệu đã tham gia vào nền tảng của Tmall, trong đó 80% hãng lần đầu tiên gia nhập vào thị trường Trung Quốc. Trong tổng số người dùng của Tmall, 45% đến từ các thành phố phụ cận của Trung Quốc. Nền tảng kỹ thuật số đang kết nối người tiêu dùng bên ngoài các đô thị lớn với một khu vực rộng lớn hơn.
Thực tế cho thấy, các nền tảng thương mại điện tử đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng cho những người sống ở các thành phố nhỏ, phụ cận và cả khu vực nông thôn; kết nối người tiêu dùng trẻ và sống tại những vùng ven đô đến với nhiều thương hiệu quốc tế. Một tính năng giúp việc mua hàng xuyên biên giới trên nền tảng kỹ thuật số trở nên dễ dàng hơn chính là sự hiện diện của các loại ví điện tử, có thể được sử dụng để mua bất kỳ một sản phẩm nào trên nền tảng.
Báo cáo của Facebook hồi cuối tháng 6/2021 cho thấy mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch. Theo đó, 81% người tiêu dùng nói rằng họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi đại dịch bùng phát, 92% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục hành vi mới này dài hạn cả trong tương lai, dù còn dịch bệnh hay không. Tương tự Facebook, nhiều chuyên gia thương mại điện tử đưa ra dự đoán trong tương lai, thương mại điện tử sẽ dần chiếm ưu thế so với phương thức mua sắm truyền thống. Họ cho rằng mua sắm trực tuyến không phải một phương thức tạm thời đối phó với dịch bệnh mà là xu hướng mới với nhiều cải thiện vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng; kéo theo là sự lên ngôi của thanh toán không tiền mặt và dịch vụ logistics, đáp ứng sự tăng trưởng ổn định của thương mại điện tử.
Ngoài các mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, TikTok... các sàn thương mại điện tử còn chủ động khai thác thêm kênh livestream, tăng độ nhận diện thương hiệu và góp phần thu hút thêm nhiều nhà bán hàng cũng như người tiêu dùng mua sắm. Đây dự kiến sẽ tiếp tục là một trong những xu hướng mới của thương mại điện tử, góp phần mang về lợi thế, thúc đẩy ngành này tăng trưởng mạnh mẽ và tiếp cận thêm nhiều đối tượng người dùng. Châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu là những khu vực có sự phát triển thương mại điện tử mạnh mẽ nhất.
* Những xu hướng phát triển nổi bật
Trong tương lai, để thích ứng với sự phát triển của xã hội cũng như đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng, thương mại điện tử sẽ hướng đến một số xu hướng phát triển nổi bật.
Sự nổi lên của các nhãn hiệu độc lập: Trong vài năm qua, mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử) mà không cần qua bất kỳ một kênh phân phối nào- đã bùng nổ, giúp các thương hiệu tiếp cận trực tiếp với khách hàng và đạt lợi nhuận tốt, đồng thời giúp khách hàng tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, giờ đây, xu hướng này đang thay đổi. Doanh số bán hàng nhãn hiệu riêng cao cấp đang gia tăng, khách hàng đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm có thương hiệu riêng để tiếp cận những sản phẩm cao cấp và trải nghiệm mua sắm tốt hơn.
Trải nghiệm việc xem tivi kết hợp mua sắm: Cuối năm 2020, kênh truyền hình NBC của Mỹ đã triển khai chương trình quảng cáo truyền hình có thể mua kết nối các chương trình với ứng dụng trên điện thoại di động, qua đó cho phép người xem mua những gì mà họ thích có xuất hiện trên màn hình tivi. Công nghệ này sẽ sớm được tích hợp trực tiếp vào tivi thông minh, kết hợp việc xem tivi và mua sắm thành một trải nghiệm liền mạch, mang lại lợi ích cho cả người mua hàng và các nhà bán lẻ.
Sự hỗ trợ của AI: Trí tuệ nhân tạo (AI) từ lâu đã được sử dụng trong thương mại điện tử để đưa ra các đề xuất chọn lọc thông minh về sản phẩm, giúp khách hàng hình dung về sản phẩm tốt hơn và hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thắc mắc của khách hàng. Thời gian tới, AI sẽ giúp các công ty thương mại điện tử tìm kiếm khách hàng, phân tích các xu hướng hiện tại cùng với sản phẩm, kênh bán hàng, khách hàng và hành vi của người mua để xác định các kênh mua sắm, thời gian và giá tốt nhất để niêm yết sản phẩm.
Cuộc đua quảng cáo số: Khi người tiêu dùng tập trung vào mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh mô hình kinh doanh này. Điều đó đã làm cho “đấu trường” quảng cáo trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Công ty quảng cáo quốc tế Dentsu (Nhật Bản) đưa ra dự đoán quảng cáo kỹ thuật số sẽ chiếm một nửa tổng chi tiêu cho quảng cáo của các doanh nghiệp vào năm 2021, với tổng mức chi tiêu dự kiến là 284 tỷ USD.
Thế mạnh thông qua hợp nhất: Hợp nhất có thể là một lựa chọn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cải thiện tỷ suất lợi nhuận và rút ngắn con đường dẫn đến lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mua lại và sáp nhập, đặc biệt là giữa các công ty có các thế mạnh bổ sung cho nhau, cho phép các trang thương mại điện tử tăng cường thị phần, đồng thời tận dụng cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính và con người.
Đa dạng kênh mua sắm: Trên thực tế, thói quen của người mua sắm sẽ là sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và kỹ thuật số. Điều quan trọng đối với các trang thương mại điện tử là phải làm cho việc chuyển đổi giữa các kênh mua bán trở nên dễ dàng nhất có thể đối với người tiêu dùng để sau đại dịch họ vẫn có thể thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ./.