Những điều ta đã biết và còn chưa biết về đại dịch Covid-19 và vaccine
Trong năm qua, BBC Future đã luôn nỗ lực tìm hiểu các yếu tố khoa học của Covid-19 toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát. Vậy chúng ta đã biết được gì, và còn những vấn đề nào chưa biết?
Một trong những khó khăn để giải mã đại dịch Covid-19 là tất cả các nghiên cứu khoa học về nó đều được thực hiện âm thầm.Thông thường, vào thời điểm mà bạn đọc được một phát hiện khoa học mới trên một trang tin tức như BBC, thì thực chất kết quả đó đã được thông qua hàng loạt khâu từ bình duyệt cho tới phát triển và đánh giá. Dĩ nhiên là các nghiên cứu khoa học trên không phải là bí mật quốc gia hay gì, chỉ là mọi người thường hiếm khi để ý đến cho đến khi nó được truyền thông đăng tải mà thôi.
Thế nhưng điều khác biệt về Covid-19 là tất cả chúng ta - từ công chúng, chính trị gia cho tới nhà báo - đều đã được chứng kiến các trải nghiệm khoa học ở ngay tuyến đầu. Và bây giờ, trải qua một năm kể từ khi đại dịch bắt đầu, đây là lúc để nhìn lại tổng quát. Chúng ta đã biết được gì, và còn những vấn đề nào chưa biết hoặc chưa sáng tỏ? Và các câu hỏi mới đang chờ giải đáp?
Dưới đây là tóm tắt những gì chúng tôi tìm hiểu được sau một năm Covid hoành hành, tính đến đầu năm 2021:
Những điều chúng ta đã biết
Hệ thống thông gió trong nhà là rất cần thiết
Với những bằng chứng đã thu thập được, nay ta nhận thức được tầm quan trọng của việc tránh tiếp xúc với nguồn không khí nhiễm virus.
Làm sạch các bề mặt, đeo khẩu trang và rửa sạch tay đều rất quan trọng, và việc thông gió để môi trường trong nhà có được không khí tươi mới cũng quan trọng không kém.
Khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa
Trong thời gian đầu, khi chưa có đủ dữ liệu chắc chắn, một số chính phủ trong đó có Anh đã đắn đo trong việc đề xuất đeo khẩu trang, tuy các nước khác áp dụng ngay.
Biện pháp phòng ngừa này đã chứng tỏ có tác dụng. Đeo khẩu trang cho thấy đó là biện pháp đơn giản, hiệu quả, giúp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, tấm chắn che mặt lại không hiệu quả bằng.
Rửa tay thường xuyên vẫn rất quan trọng
Trong bối cảnh cần có các lệnh phong toả, cách ly và giãn cách xã hội, một yếu tố quan trọng khác trong cuộc chiến chống lại virus corona lại có nguy cơ bị lãng quên, đó là rửa tay.
Mặc dù việc lây lan thông qua tiếp xúc với các bề mặt được cho là hiếm khi xảy ra, thế nhưng có bằng chứng cho thấy có virus trên tay của những người mang bệnh, vậy nên họ hoàn toàn có khả năng lây nhiễm cho người khác. Con người cũng có xu hướng hay vô thức đưa tay sờ lên mặt mình.
Tác hại của virus tới từng người là khác nhau
Cùng với sự khác biệt tuổi tác, có vẻ như virus tác động mạnh tới nam giới hơn là phụ nữ, và có một số nhóm sắc tộc dễ bị tổn thương hơn những nhóm khác.Một số người có khả năng miễn dịch rất bí ẩn đối với Covid-19, mà có thể là họ đã sở hữu khả năng này từ rất lâu trước khi đại dịch bùng phát.
Virus có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng
Mặc dù Covid-19 là một loại virus đường hô hấp, nhưng nó không hề chỉ dừng lại ở việc tấn công phổi. Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm ra được rằng nó còn có thể tấn công các tế bào nội mô (tế bào lót mặt trong của mạch máu) và ảnh hưởng hàng loạt các cơ quan quan trọng khác, chẳng hạn như tim, não, thận, gan, tuyến tuỵ và lá lách.
Các tổn thương này được tìm thấy ngay cả ở những người bệnh trẻ tuổi, nguy cơ thấp. Không một ai có thể chắc chắn được rằng những tổn thương này sẽ tồn tại trong bao lâu, liệu có khả năng chữa trị chúng hoàn toàn hay không.
Virus có tốc độ lây lan chóng mặt
Một loạt nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tỏ ra nghi ngờ với "định kiến về khả năng lây lan theo cấp số nhân" của virus thì ít quan tâm tới tốc độ lây lan của Covid-19, và càng ít thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang.
Vaccine Covid-19 an toàn và có hiệu quả
Công cuộc phát triển vaccine Covid-19 diễn ra cực kỳ nhanh chóng, dưới áp lực phi thường.Với gánh nặng cần đáp ứng kỳ vọng của toàn thế giới, các nhà khoa học đã tạo ra các loại vaccine an toàn, hiệu quả và đã được kiểm tra nghiêm ngặt qua các đợt thử nghiệm. BBC Future đã được trải nghiệm trực tiếp khi một trong những nhà báo của chúng tôi tình nguyện tham gia đợt thử nghiệm vaccine Oxford-Astrazeneca (và anh ấy vẫn thực hiện phết dịch mũi họng hàng tuần để xét nghiệm Covid-19 trong vài tháng sau đợt thử nghiệm đó).Vaccine khi mới chỉ tiêm một liều cũng đã có khả năng bảo vệ tương đối
Mức độ bảo vệ phụ thuộc vào từng loại vaccine cụ thể - và trong một số trường hợp, ta vẫn chưa thu thập đủ dữ liệu để khẳng định được chắc chắn điều gì.
Cho đến khi bạn được tiêm liều tăng cường (thường là liều thứ hai) và nhiều người khác cũng đã được tiêm phòng, thì điều quan trọng là vẫn tiếp tục giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tuân thủ các lời khuyên sức khỏe cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng có thể đạt được thông qua vaccine
Miễn dịch cộng đồng là một hình thức phòng chống lây lan bệnh truyền nhiễm một cách tự nhiên, khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với tác nhân gây bệnh. Nhưng, ngược lại với những gì bạn nghe được trong thời đại dịch, có rất nhiều lý do khiến cho việc miễn dịch cộng đồng không thể đạt được bằng cách cố ý cho virus lây lan.
Hầu hết các loại vaccine đều chưa ngăn được sự lây lan của virus
Các loại vaccine Covid-19 hiện được cho là chưa có khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus - thay vào đó, chúng được đánh giá mức độ hiệu quả dựa trên khả năng giúp người được tiêm không phát sinh các triệu chứng và ngã bệnh.
Các nghiên cứu về việc liệu vaccine có khả năng ngăn ngừa được sự lây lan của virus hay không vẫn đang được tiếp tục, thế nhưng đã có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy là cả hai loại vaccine Pfizer-BioNTech và Oxford-Astrazeneca có thể giúp giảm bớt khả năng lây lan.
Tỷ lệ tử vong vì Covid ở các nước khác nhau là khác nhau và sự khác biệt này là do có nhiều lý do, chủ yếu liên quan đến cách tính số ca tử vong. Vì vậy, khó có thể so sánh tỷ lệ tử vong giữa các quốc gia.
Ngoài việc Covid-19 không phải là chuyện của riêng nước nào, thì những khác biệt trong cách tính số ca tử vong là điều thường thấy khi một đại dịch xảy ra. Đại dịch toàn cầu đã cho thấy sức mạnh phi thường của những thói quen hằng ngày nhỏ nhặt nhất, ví dụ như rửa tay thường xuyên, giãn cách xã hội, và đeo khẩu trang
Những điều chúng ta học được từ quá khứ
Năm nay, BBC Future cũng đã tìm hiểu về các đại dịch trong quá khứ để xem chúng ta có thể học được gì:
Khống chế sớm dịch bệnh
Cách các quốc gia như Canada và Đài Loan khống chế đại dịch Sars vào năm 2003 đã mang đến rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho đại dịch Covid-19 hiện tại, bao gồm tầm quan trọng của việc ghi nhận theo dõi các F1, F2 của những người nhiễm bệnh đầu tiên F0), và điều trị cho bệnh nhân ở trong các khu vực cách ly với xã hội.
Giãn cách xã hội đã từng được áp dụng từ 400 năm trước
Ở Sardinia hồi thế kỷ 16, một bác sĩ đã ra bản hướng dẫn về giãn cách xã hội trong thời kỳ bệnh dịch hạch hoành hành, với nội dung như thể được đo ni đóng giày cho Covid-19 - đặc biệt là khuyến cáo mỗi gia đình chỉ để một người ra khỏi nhà để đi mua đồ thực phẩm.
Việc triển khai tiêm vaccine cần sự tin tưởng của cộng đồng
Năm 1976, Mỹ tiến hành một đợt triển khai tiêm vaccine mà không được công chúng tin tưởng và đồng thuận. Sự kiện đó đã mang lại nhiều bài học quý báu cho nỗ lực tiêm vaccine Covid đang diễn ra hiện nay. Có rất ít thời gian để kiểm chứng các phát hiện khoa học trước khi chúng được công bố rộng rãi trong mùa dịch
Những điều chúng ta chưa biết
Khoa học vẫn đang tiến hành, và chúng tôi luôn không ngừng tìm hiểu về loại virus này. Đây là tóm tắt về những ẩn số mà hy vọng là các nhà nghiên cứu khoa học sẽ sớm giải mã được:
Ảnh hưởng lâu dài của bệnh
Những người nhiễm Covid dài ngày sẽ bị ảnh hưởng trong bao lâu? Tác động biểu sinh của virus sẽ như thế nào? (Nói cách khác, liệu tác động của nó có di truyền qua nhiều thế hệ không?) Và đấy là còn chưa kể đến các hậu quả về mặt kinh tế xã hội...
Loài virus này sẽ biến đổi tới mức nào
Mỗi lần mà virus Covid-19 lây từ người này sang người khác, thì nó lại biến đổi một chút trong mã di truyền, thế nhưng, may mắn thay các nhà khoa học đang dần khám phá ra được quy luật đột biến của loài virus này.
Những phỏng đoán về đại dịch tiếp theo
Những căn bệnh nào có nguy cơ gây ra đại dịch toàn cầu tiếp theo? Trong những tuần gần đây, BBC Future đã tìm hiểu được khoảng sáu căn bệnh có nguy cơ gây ra đại dịch mới, và tìm hiểu các nghiên cứu đang được thực hiện để cố gắng ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.
Đại dịch tác động tới môi trường tới mức nào
Mặc dù lượng thải khí nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí đã giảm đi đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn kể từ thời điểm bắt đầu phong tỏa toàn cầu, nhưng đã lại nhanh chóng tăng trở lại vào cuối năm qua.
Nhìn chung, lượng khí thải CO2 chỉ giảm được khoảng hơn 6% trong năm 2020.
Nhưng có khả năng đại dịch có thể tạo ra được những tác động môi trường lâu dài hơn, các nhà môi trường đang đặt câu hỏi liệu chế độ ứng phó với khủng hoảng Covid-19 (ví dụ như làm việc tại nhà, giảm thiểu lượng khí thải CO2) có thể giúp lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu hay không.